Ý nghĩa của Bát bảo cát tường:
Phật Giáo là sự kế thừa phát huy đến tột cùng của Tôn Giáo cổ Ấn Độ, tức Đạo Bà La Môn, nên có nhiều tri thức được tiếp nối trong Giáo Pháp. Bát Cát Tường Bảo chính là như vậy. Trong Phật Giáo Tây Tạng, Bát Cát Tường Bảo được gọi là "Trát Tây Đạt Kiệt" ... Cũng được gọi là Bát Cát Tường Huy với ý nghĩa luân chuyển thuận chiều kim đồng hồ trên các Mạn Đà La.
Khi các biểu tượng cát tường này xuất hiện tại bất kỳ nơi nào thì nơi đó trở thành sự gia trì hoàn hảo. Tám tướng cát tường khi được vẽ kết hợp lại với nhau thành một tổng thể được gọi là trí tuệ Bản Lai, chính là hóa thân Phật dưới hình thức biểu tượng cát tường để ban gia trì lợi ích chúng sinh.
Ngày nay, không có nhiều người biết về nguồn gốc và ý nghĩa của các biểu tượng Phật giáo. Các hình ảnh, họa tiết Phật giáo nói chung và đặc biệt là Phật giáo Kim Cương thừa không bao giờ được người nghệ sĩ trình bày một cách ngẫu nhiên tùy hứng mà đều là thông điệp cát tường mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Từ khuôn mặt Phật Bản tôn hướng về bên phải hay bên trái, các thế ấn của Ngài, sự lựa chọn đồ vật trang trí, pháp khí, các loài linh thú cho đến màu sắc của một cánh sen đều nhằm tạo ra từ trường gia trì cát tường và thể hiện ý nghĩa Phật pháp riêng biệt cho hành giả và đại chúng có phúc duyên chiêm bái.