Rất nhiều nghi lễ thực hành trong Phật giáo Tây Tạng yêu cầu cần có những vật phẩm cúng dường quý báu, gọi là TORMA.
Từ 'torma' trong tiếng Tây Tạng, thì 'tor' có nghĩa gốc là "làm tan ra", hay ném ra một số lượng nhỏ những món đồ gì đó. Hậu tố 'ma' thể hiện cho tình yêu thương. Nên ta có thể nói rằng từ 'torma' có nghĩa là ta dâng tặng ai đó món đồ gì đó với tất cả tình yêu thương. Theo truyền thống, bánh Torma thường được để bên ngoài sau khi được sử dụng trong một nghi lễ, và khi đó sẽ thành thức ăn cho côn trùng hay thú hoang.
Để có thể thực sự đạt được sự tỉnh giác hoàn toàn, mỗi người tu cần phải có sự tích lũy đủ cả công đức và trí tuệ. Trí tuệ được phát triển qua sự tu học và thiền quán, suy ngẫm. Công đức được đạt qua sự cúng dường và hoàn thiện hạnh bố thí. Vì thế, Bánh Torma giúp ta trong sự thực hành hạnh bố thí, và được sử dụng trong các nghi lễ thực hành của Phật Giáo Kim Cương Thừa như một phương tiện thiện xảo để tích lũy công đức. Chúng cũng là phương tiện thiện xảo trong sự thực hành hạnh xả bỏ. Torma không chỉ có nghĩa là đưa ra một món cúng dường, chúng còn có nghĩa là từ bỏ sự bám chấp.
Trong sự thực hành Bổn tôn của Phật giáo Tây Tạng, Torma trở thành nền tảng cơ bản cho sự quán tưởng những vật phẩm cúng dường rộng lớn và vô lượng. Nhưng Torma không chỉ có ý nghĩa là cúng dường cho bản tôn trí tuệ. Torma cũng có thể cúng cho vô lượng vong hồn, chúng sinh vô hình chưa đạt được sự giác ngộ, là những chúng sinh đang lang thang đói khát, vô minh trong cõi Thân trung ấm, trạng thái lơ lửng giữa cái chết và sự tái sinh. Có những bánh torma làm để cúng cho những ma ác để chúng để yên cho chúng ta, và không cản trở sự tiến bộ tâm linh của ta. Và có cả những món cúng dường Torma gọi là 'tsok' ta cùng chia sẻ với các đạo hữu, huynh đệ tỉ muội kim cương trong bối cảnh một bữa tiệc tâm linh.