LỊCH SỬ VẮN TẮT THỰC HÀNH TROMA NAGMO TỪ TRUYỀN THỪA DUDJOM
Dudjom Sangye Pema Shepa Rinpoche soạn
Giáo lý của Kho Tàng Mới Của Đức Dudjom [Dudjom Tersar] bao gồm toàn bộ các kho tàng được phát lộ bởi đạo sư Tây Tạng Traktung Dudjom Lingpa trong khoảng một trăm sáu mươi đến một trăm bảy mươi năm trước, và toàn bộ các kho tàng được phát lộ bởi Dudjom Rinpoche Jigdral Yeshe Dorje. Những tuyển tập kho tàng này kết hợp lại được gọi là Dudjom Tersar. Traktung Dudjom Lingpa là một đại diện của Guru Rinpoche, được tiên đoán bởi chính Guru Rinpoche, vị, sau khi được nhiều Không Hành Nữ thỉnh cầu, đã nói rằng, “Một hóa hiện của Ta sẽ mang thân hóa hiện trong thời tương lai đen tối khi suy đồi có thể được thấy theo năm cách. Vị đạo sư phát lộ kho tàng này sẽ khai mở nhiều giáo lý của Ta và sẽ dẫn dắt nhiều chúng sinh đạt thành tựu quả vị Trì Minh nhờ thực hành truyền thừa này”. Như thế, Traktung Dudjom Lingpa đã sinh ra ở Tây Tạng vào đầu thế kỷ mười chín chính xác theo những tiên đoán xưa kia của Guru Rinpoche và các đạo sư Tây Tạng khác như Đức Dodrup Kunzang Shenphen.
Các kho tàng được phát lộ bởi Traktung Dudjom Lingpa đem đến công đức và lợi lạc mạnh mẽ cho truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Chứa đựng trong đó là hàng tá giáo lý Bổn tôn (Yidam), các thực hành và nghi quỹ chỉ dẫn then chốt. Trong số chúng, thực hành hữu hiệu nhất và lợi lạc bao la để cho phép các hành giả chứng ngộ sự thành tựu thân cầu vồng là giáo lý Troma – Mẹ Phẫn Nộ Đen. Pho Troma bao gồm truyền thừa xa, truyền thừa gần và truyền thừa linh kiến thanh tịnh. Nó chứa đựng những thực hành then chốt của các truyền thống Đại Trung Đạo, Đại Thủ Ấn (Mahamudra) và Đại Viên Mãn (Dzogchen).
Nguồn gốc của truyền thừa cổ xưa về Troma truy ngược trở về thời Phật Thích Ca Mâu Ni. Traktung Dudjom Lingpa là một vị tái sinh của Tôn giả Xá Lợi Phất, một trong hai đệ tử chính yếu của Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôn giả Xá Lợi Phất đã thọ nhận các giáo lý về tính Không, thứ là tri kiến và thực hành của Đại Trung Đạo, khi Phật Thích Ca Mâu Ni dạy về tính Không, trí tuệ, ba cửa giải thoát và các giáo lý khác. Guru Rinpoche đến thế gian này tám năm sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn và Ngài đã thực hành Giáo Pháp tại nhiều thánh địa của xứ Ấn Độ. Khi Guru Rinpoche đang thực hành tại Nghĩa Địa Lạnh Lẽo Tự Sinh, nhiều Không Hành Nữ viếng thăm Ngài. Một vị tên Dakini Yeshe Choying đã dâng một Mật điển lên Guru Rinpoche và sau đó, Kim Cương Du Già Nữ (Vajra Yogini) ban quán đỉnh và nghi quỹ từ truyền thừa bí mật của Troma, thứ là một sự trao truyền bằng miệng không được viết lại. Như thế, Guru Rinpoche sau đó thọ nhận toàn bộ giáo lý về thực hành giai đoạn phát triển và hoàn thiện của Troma.
Khi tám mươi tư đại thành tựu giả đang sống ở Ấn Độ, vị đầu tiên, Saraha nổi tiếng là một đạo sư Đại Thủ Ấn. Traktung Dudjom Lingpa được xem là một vị tái sinh của Saraha. Tinh túy của thực hành Troma được kết hợp với điểm then chốt trong thực hành Đại Thủ Ấn của Saraha khi ấy và được niêm phong trong sự vô tận không hình tướng của hư không. Như thế, Troma cũng chứa đựng những chỉ dẫn thực hành then chốt về Đại Thủ Ấn.
Vào thời Guru Rinpoche ở Tây Tạng, nhiều đệ tử và dịch giả Tây Tạng đã thỉnh cầu quán đỉnh và giáo lý từ Ngài. Một trong hai mươi lăm đệ tử chính yếu của Ngài tên Drokben Khye’u Chung Lotsawa sau này tái sinh thành Traktung Dudjom Lingpa. Ngài cũng đã thọ nhận các giáo lý về giai đoạn phát triển, hoàn thiện và Đại Viên Mãn cho truyền thừa kho tàng này trực tiếp từ Guru Rinpoche.
Vài trăm năm sau, khi vị Tổ của thực hành Chod – Machik Labdron ở Tây Tạng, hầu hết các giáo lý trong truyền thừa Phật giáo Tây Tạng đã được chuyển dịch và truyền bá từ Ấn Độ đến Tây Tạng. Tuy nhiên, chỉ có truyền thừa Zhije Chod từ Machik Labdron được truyền bá từ Tây Tạng đến Ấn Độ. Triết học chính yếu của truyền thừa Zhije Chod kết hợp tri kiến của Đại Trung Đạo với các phương pháp thực hành từ những Mật điển để cho phép hành giả cắt đứt bám chấp với thân thể. Traktung Dudjom Lingpa cũng được xem là vị tái sinh của Gyalwa Dondrub, con trai của Machik Labdron. Bởi chắc chắn rằng Gyalwa Dondrup đã thọ nhận truyền thừa Zhije Chod, các kho tàng Troma được Dudjom Lingpa phát lộ cũng bao gồm các chỉ dẫn then chốt về Đại Trung Đạo từ truyền thừa Zhije.
Khi đến thời điểm Traktung Dudjom Lingpa phát lộ các kho tàng Troma, Ngài đã thấy Zangdok Palri (cõi Tịnh độ Núi Màu Đồng) trong một linh kiến thanh tịnh và phát khởi mong ước phát lộ mọi giáo lý về Chod. Sau đó, Ngài diện kiến Saraha và thỉnh cầu từ vị này nhiều chỉ dẫn then chốt về Đại Thủ Ấn và thực hành Mật thừa. Tuy nhiên, khi ấy, Ngài cũng nghĩ rằng, “Ta không cần các giáo lý Chod kết hợp với những chỉ dẫn Đại Thủ Ấn của Saraha”. Ngay khi ý nghĩ này khởi lên trong tâm Dudjom Lingpa, Saraha tan biến và Guru Rinpoche xuất hiện. Dudjom Lingpa thỉnh cầu Guru Rinpoche ban các truyền thừa kho tàng và tuyên bố rõ ràng với Guru Rinpoche rằng Ngài không cần truyền thống Zhije Chod hay Đại Thủ Ấn Chod. Dudjom Lingpa thỉnh cầu Guru Rinpoche ban một thực hành Chod kết hợp với giáo lý Đại Viên Mãn, điều chưa từng được giảng dạy ở Tây Tạng trong quá khứ. Vì thế, Guru Rinpoche đã phát lộ giáo lý Troma, điều kết hợp với Đại Viên Mãn, cho Traktung Dudjom Lingpa và đây là một phần trong lịch sử của truyền thừa kho tàng này.
Khi đến lúc Dudjom Lingpa viết lại kho tàng Troma sau khi thọ nhận, Ngài nhận ra rằng Ngài không thể giải mã ký tự Không Hành Nữ. Một lần nữa, Ngài nằm mơ thấy Saraha và đạo sư của Machik Labdron – Padampa Sangye của truyền thống Zhije. Sau khi cầu nguyện đến chư đạo sư truyền thừa, Padampa Sangye bảo Dudjom Lingpa, “Chod là một giáo lý từ truyền thống Zhije. Không được phép viết một thực hành Chod mà không có các chỉ dẫn then chốt từ truyền thống Zhije”. Sau đấy, Dudjom Lingpa nhận ra lý do mà Ngài không thể viết lại kho tàng. Ngài nghĩ, “Ta cũng cần viết lại các chỉ dẫn then chốt từ Padampa Sangye khi viết lại kho tàng”. Sau đó, Saraha ban mọi giáo lý của Ngài về Troma từ Cõi Bao La Của Pháp Tính, điều được kết hợp với Đại Thủ Ấn, cho Dudjom Lingpa. Thế nhưng, khi Dudjom Lingpa muốn viết lại kho tàng, Ngài chỉ viết được phần mở đầu của bản văn Không Hành Nữ. Một lần nữa, Ngài không thể viết tiếp, mặc dù Ngài vốn đã chứng ngộ tất cả nội dung và giáo lý từ Cõi Bao La Của Pháp Tính. Nhưng Ngài vẫn cần sự cho phép trọn vẹn để mở niêm phong ký tự Không Hành Nữ nhằm viết lại chúng và vì thế, Ngài cầu nguyện đến chư đạo sư truyền thừa một lần nữa. Sau đấy, Ngài nằm mơ thấy Machik Labdron bảo rằng, “Con là con của Ta và con đã thực hành các giáo lý từ truyền thừa của Ta; vì thế, Ta mong con tiếp tục truyền bá chúng”. Chư đạo sư truyền thừa sau đó lại ban các phương pháp thực hành của chư vị cho Dudjom Lingpa trong giấc mơ và từ đấy, Ngài có thể viết lại các giáo lý một cách thành công bởi Ngài đã nhận được sự cho phép từ truyền thừa linh kiến thanh tịnh từ chư vị.
Thực hành Troma được khám phá bởi những đạo sư phát lộ kho tàng khác trong quá khứ chứa đựng giai đoạn phát triển là thực hành chính yếu cùng với giai đoạn hoàn thiện. Troma của Dudjom Lingpa là thực hành Chod duy nhất kết hợp giai đoạn phát triển và hoàn thiện với Đại Viên Mãn. Thực sự, Troma của Dudjom Lingpa kết hợp chỉ dẫn then chốt phi phàm từ giáo lý của Đại Trung Đạo, Đại Thủ Ấn và Đại Viên Mãn. Truyền thừa bao gồm truyền thừa xa, truyền thừa gần và truyền thừa linh kiến thanh tịnh. Chính kho tàng đã tiên đoán rằng các hành giả sẽ đạt quả vị Trì Minh nhờ thực hành hai giai đoạn một cách đúng đắn. Có mười ba người đã thành tựu thân cầu vồng cùng với chính Dudjom Lingpa tại Larung ở Sertar (Larung Ngarik Nang Lopling ngày nay). Cũng có nhiều đệ tử trong truyền thừa đã thành tựu thân cầu vồng khi Dudjom Lingpa vẫn còn sống, điều được ghi chép lại rõ ràng. Bên cạnh đó, người ta cũng kể rằng có hàng tá hay hàng trăm hành giả Troma đã thành tựu thân cầu vồng ở những vùng xa xôi như Ngari, Nyingchi ở Tây Tạng, Co Ngoingbo, Rebgong và Maniganggo, v.v. Kho tàng cũng tiên đoán rằng hàng trăm nghìn hành giả sẽ thành tựu quả vị Trì Minh nhờ thực hành giáo lý này trong tương lai.
Vị tái sinh của Kyabje Dudjom Rinpoche – Sangye Pema Shepa
Nguồn Anh ngữ: A Brief History of the Troma Nagmo Practice from the Dudjom Lineage (được chia sẻ tại trang Facebook 敦珠新寶藏 Dudjom New Treasure).
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.