Có ba điều cần che giấu:
Chiquan
Chủ Nhật,
10/12/2023
Có ba điều cần che giấu:
Công đức của bản thân,
Lỗi lầm của người khác,
Kế hoạch cho tương lai.
Hãy che giấu “công đức của bản thân”. Theo các giới luật của Phật giáo, Phật tử không nên khoe khoang về công đức của họ, chẳng hạn đã nghiêm trì giới luật, đạt được trí tuệ, thiền định hay tương tự, dù cho những công đức này có đáng được bao nhiêu lời tán thán. Nói về công đức của mình phần lớn đều vì kiêu mạn, một trong năm độc và có thể khiến người khác phát triển sự hiểu lầm thay vì niềm tin. Công đức chân chính sẽ suy giảm, bởi nói nó với người khác, trước khi chúng ta đạt đến cấp độ Bồ Tát bất thối chuyển. Vì vậy, người khôn không bao giờ nói về công đức của họ. Tuy nhiên, trong thời đại suy đồi hiện nay, người ta thường khoe khoang rằng họ đã giác ngộ viên mãn, có được các năng lực siêu phàm hay họ là những Tulku tái sinh, để thỏa mãn những ham muốn của bản thân. Đức Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche nói rằng, có vài hành giả vĩ đại, người thỉnh thoảng đề cập đến công đức của chư vị, chẳng hạn mức độ chứng ngộ, để chấp nhận đệ tử hay phá hủy các tà kiến của một học trò. Dù vậy, người thông minh luôn quán sát các lỗi lầm của họ. Kho Tàng Bảo Châu Cách Ngôn của Tổ Sakya Pandita nói, “một người xuất sắc quán chiếu về những lỗi lầm của anh ta; kẻ xấu xa chỉ tìm kiếm lỗi lầm của người khác; con công xem xét thân thể của nó, con dơi gieo rắc điềm xấu cho người khác”.
Hãy che giấu “lỗi lầm của người khác”. Là người phàm, chúng ta có nhiều ý niệm ô nhiễm trong tâm thức. Phần lớn thời gian, chúng ta không nhận ra lỗi lầm của mình nhưng lại dễ dàng tìm thấy lỗi lầm của người khác. Người Tây Tạng thường nói, “Người ta thấy một con rận bé xíu trên người khác, nhưng chẳng thấy cả con Yak trên mình”. Đó là một chỉ dẫn về thực hành không tốt. Nhiều vị thầy nói rằng, chư Phật nhìn chúng sinh là Phật và chư Bồ Tát nhìn chúng sinh là Bồ Tát, tương tự, kẻ phàm phu nhìn chúng sinh đều là phàm phu. Học viện chúng ta có một vị Khenpo, bất cứ khi nào thấy ai khác làm gì không đúng, ngài luôn nói, “Đừng phán xét, đừng phán xét. Có vài ý nghĩa ẩn giấu mà chúng ta không biết đằng sau những hành động này. Việc của chúng ta không phải là thấy lỗi lầm của người khác”. Thực sự, đôi khi chúng ta không biết rõ về nhau, chúng ta cũng không hiểu đầy đủ về mọi thứ mà họ làm. Hơn thế nữa, thảo luận về lỗi lầm của người khác đặc biệt bị cấm trong giới Tỳ kheo và Bồ Tát giới, như Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo giải thích, “Bởi ảnh hưởng của những cảm xúc phiền não, nếu con chỉ ra lỗi lầm của một vị Bồ Tát khác, con đang bị suy giảm, vì thế, đừng nhắc đến những lỗi lầm của các hành giả đã bước vào Đại thừa. Đây là thực hành của chư Bồ Tát”.
Chúng ta không nên hành xử như những người trên thế gian này, nhiệt tình tán dương bản thân nhưng lại xem thường người khác. Trái lại, nhiều đạo sư vĩ đại làm những công việc thấp kém nhất và hành trì với địa vị rất thấp, trước khi bắt đầu nhận học trò. Những chúng sinh bình phàm thường gặp khó khăn trong việc nói xem liệu người khác đã đạt được chứng ngộ hay công đức từ dáng vẻ bên ngoài. Tuy nhiên, khoe khoang về công đức của bản thân sẽ chẳng khiến người khác kính trọng bạn. Cần phải nói rằng, có thể người mà bạn đang đánh giá là hóa hiện của một vị Phật hay Bồ Tát, bởi nhiều vị đang giúp đỡ chúng sinh bằng cách hóa hiện thành những người phụ nữ thấp kém, gái điếm hay thợ săn. Vì thế, chúng ta cần phát triển và duy trì nhận thức thanh tịnh không tạp nhiễm (ý nghĩ không thiên kiến). Thành ngữ nói rằng: “Tìm kiếm lỗi lầm của người khác là một lỗi lầm”. Tóm lại, vì bản thân và tha nhân, chúng ta chắc chắn cần che giấu lỗi lầm của người khác.
Hãy che giấu những “kế hoạch cho tương lai”. Chúng ta cần giữ bí mật những kế hoạch. Thậm chí các ý tưởng tình cờ, như xây dựng tu viện, nhận học trò hay giảng Pháp, cũng cần được giữ kín trước khi chúng trở thành hiện thực. Người Hoa thường nói, “Thiên cơ bất khả lộ”. Nói chung, phát lộ một kế hoạch trước có thể tạo ra những chướng ngại không mong đợi. Là một hành giả, lên kế hoạch cho việc hành trì là chấp nhận được; tuy nhiên, thật vô nghĩa khi lên kế hoạch chi tiết cho tương lai bởi chẳng gì có thể theo kịp sự vô thường. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche chưa bao giờ tiết lộ những ý định trước khi ngài chắc chắn về kết quả. Về điểm này, chúng ta cần học theo chư đạo sư vĩ đại và che giấu các kế hoạch cho tương lai.
BÌNH GIẢNG NGẮN GỌN VỀ
NHỮNG CHỈ DẪN DÀNH CHO BẢN THÂN CỦA PATRUL RINPOCHE
Khenpo Sodargye giảng
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ