Danh mục sản phẩm

Bình Giảng 37 Pháp Tu Của Bồ Tát - Garchen Rinpoche] "Nếu thiếu trí huệ Ba la mật thì dù có cả năm Ba la mật [kia] cũng vẫn không thể đạt tới giác ngộ tối thượng

Chiquan
Thứ Hai, 10/10/2022

[Bình Giảng 37 Pháp Tu Của Bồ Tát - Garchen Rinpoche]

30. "Nếu thiếu trí huệ Ba la mật thì dù có cả năm Ba la mật [kia] cũng vẫn không thể đạt tới giác ngộ tối thượng. Vì vậy hãy vun bồi các phương tiện thiện xảo cùng với trí huệ tam vô tướng [trí huệ không phân biệt ta, người và các pháp]. Đó là pháp tu của Bồ tát."
.
Tri kiến viên mãn kết hợp tánh Không với lòng bi mẫn. Nếu con có lòng bi mẫn nhưng không chứng ngộ được tánh Không thì đó sẽ là nguyên nhân của sự trói buộc, nguyên nhân dẫn đến việc trôi lăn trong Luân hồi. Tánh Không và lòng bi mẫn được ví như cung với tên; cung tượng trưng cho tâm đã chứng ngộ tánh Không và tên là đại bi. Sự kết hợp giữa tánh Không và lòng bi mẫn là một đặc điểm độc đáo của Phật giáo. Thầy Garab Dorje gọi đó là ‘Thiền định về tánh Không kết hợp với lòng bi mẫn’. Trong đoạn kệ của chúng ta, ‘Phương tiện thiện xảo’ chỉ lòng bi mẫn. Nếu được kết hợp với trí huệ, chúng ta sẽ thành tựu được lòng bi mẫn một cách tự nhiên; đây là trí huệ không phân biệt ta, người và mọi pháp Luân hồi lẫn Niết bàn, vốn đều khởi lên từ trong tâm. Việc xác quyết rằng các hình tướng là tâm và bản thân tâm thì rỗng lặng là bản tánh thực thụ của tâm. Vì các hình tướng đều do tâm tạo ra nên mọi pháp đều liên quan trực tiếp đến tâm. 

Khi con quán chiếu bản tánh thực thụ của tâm, con sẽ thấy chẳng có sự bám chấp nào trong bản tánh này. Tri kiến hoàn toàn không nhiễm ô bởi sự bám chấp tâm ý này là tri kiến của Trung đạo. Hoàn toàn không có sự bám chấp nào vào ta, người hay các pháp. Khi chúng ta hành thiền và trước tiên phát khởi Bồ đề tâm, chúng ta thiền định kết hợp với lòng bi mẫn nhưng lòng bi mẫn của chúng ta lại gắn liền với khái niệm. Trong trường hợp này, khi chúng ta chứng kiến cảnh khổ đau, chúng ta sẽ phát khởi lòng bi mẫn nhưng khi không có đối tượng khổ đau thì lòng bi mẫn không khởi lên. Rồi khi con chứng ngộ được bản tánh của tâm, con sẽ hiểu được rằng những người chưa chứng ngộ được bản tánh của tâm đều phải chịu khổ đau và lòng bi mẫn của con sẽ thoát ra khỏi sự cục bộ. Từ nền tảng chứng ngộ tánh Không của con, ánh sáng của lòng bi mẫn kết hợp với tánh Không sẽ lan tỏa một cách tự nhiên. Bản tánh của lòng bi mẫn là tánh Không và bản tánh của tánh Không là lòng bi mẫn. Đây là trí huệ.

Khi chúng ta thấu hiểu được tri kiến của Đại thủ ấn và Đại viên mãn, chúng ta sẽ hiểu thêm rằng chẳng có trí huệ riêng biệt nào khác ngoài trí huệ này. Tri kiến của Đại thủ ấn, Đại viên mãn và Trung quán luận đều chỉ đến bản tánh thực thụ của tâm, bản tâm cực kỳ thanh tịnh và đây là trí huệ Ba la mật. Có hai loại trí huệ. Loại thứ nhất là trí huệ thế gian, vốn bao gồm các ngành khoa học phi Phật giáo bởi vì mọi pháp, mọi hiện tượng đều do tâm tạo ra. Tương tự vậy, tất cả các hệ thống tâm linh cũng đều do tâm tạo ra. Về bản chất, tất cả các pháp hữu vi này là vô thường. Thứ hai là trí huệ xuất thế gian, vốn là trí huệ chứng ngộ được bản tánh bên trong của chính nó. Khi chứng ngộ được bản tánh của trí huệ, tâm sẽ trở nên như hư không. Về phương diện tối hậu, trí huệ thế gian có bản tánh khổ đau và là nguyên nhân dẫn đến việc trôi lăn trong Luân hồi và chỉ có cách chứng ngộ trí huệ xuất thế gian thì chúng ta mới đạt được trạng thái Phật quả. Khi con an trú trong bản tánh của tâm như đúng thực trạng của nó, thỉnh thoảng sẽ không có bám chấp và tâm con sẽ trở nên rỗng lặng như hư không. Rồi con sẽ chứng ngộ được chân tánh của mình một cách tự nhiên. 

Bản tánh của sự tỉnh giác là tánh Không và Bản tánh của tánh Không là sự tỉnh giác. Khi không có bám chấp và con chứng ngộ được rằng ‘ta’ không được thiết lập thì con cũng sẽ chứng ngộ được rằng ‘người khác’ cũng không được thiết lập. Và bởi vì mọi pháp Luân hồi và Niết bàn được hình thành trên cơ sở sự bám chấp nhị nguyên vào ta và người, con sẽ chứng ngộ được rằng chẳng có pháp nào thực sự được thiết lập. Chẳng có cái gì là có thể được chứng minh là tồn tại trên cơ sở tự tánh, ngay cả hạt phân tử nhỏ nhất. Hiểu được tất cả những điều này, con sẽ không còn bám chấp vào các pháp Luân hồi và Niết bàn, không còn tin vào sự tồn tại trên cơ sở tự tánh. Khi việc bám chấp vào sự tồn tại trên cơ sở tự tánh tan rã thì tâm trở nên giống hư không, rỗng rang về hình tướng và rỗng rang về âm thanh. Dĩ nhiên là mọi pháp đều thực sự khởi hiện. Chúng khởi hiện nhưng lại rỗng rang. Và chúng rỗng rang nhưng lại khởi hiện. Khi không còn sự bám chấp vào hình tướng, mọi thứ sẽ biến thành một cõi tịnh độ. Một khi con chứng ngộ được tri kiến này, bất kỳ nơi nào con đến sẽ là một tịnh độ và bất kỳ người nào đồng hành với con đều là một vị Hộ Phật, luôn luôn và liên tục như vậy. Con sẽ xem mọi người là Bổn tôn, là Hộ Phật. Điều này là như vậy đó.

Chính bản thân tâm thức chúng ta sẽ đạt Phật quả (Sang gye). Chính tâm chúng ta sẽ được tịnh hóa (Sang) và phát triển bao la (gye). Trong Biệt giải thoát thừa , người tu tập sẽ chứng ngộ được ý nghĩa của vô ngã với trí huệ, do đó, tâm của họ được tịnh hóa; tuy nhiên, do thiếu Bồ đề tâm, tâm không thể phát triển bao la được. Mặt khác, nếu con chỉ có lòng bi mẫn mà không có trí huệ, con sẽ cảm nhận được nỗi khổ của người khác nhưng lại không có phương tiện tịnh hóa khổ đau. Khi cả tánh Không lẫn lòng bi mẫn là bất khả phân ly, chúng ta sẽ tịnh hóa sự bám chấp với trí huệ rồi sau khi đã tịnh hóa sự bám chấp, chúng ta trở thành bao la với lòng bi mẫn. Cái trở thành bao la là lòng bi mẫn, Bồ đề tâm.

Tinh túy của tâm là rỗng lặng, bản tánh của tâm là tánh sáng soi. Các phẩm hạnh của ba thân đức Phật là vô tận. Báo thân và Ứng thân sẽ hóa độ chúng sinh cho đến khi nào Luân hồi tuyệt dứt. Viên mãn, âm tiết Dzog trong Dzogchen, có nghĩa là mọi phẩm hạnh giác ngộ đều cực kỳ hoàn hảo, các phẩm hạnh của ba thân đức Phật là viên mãn. Đây là ý nghĩa của cụm từ Đức Phật viên mãn. Khi giác ngộ, mọi sự chấp ngã trong tâm đều được tịnh hóa, lòng bi mẫn sẽ trở nên bao la và tâm này thẩm thấu mọi thứ. Không có lòng bi mẫn thì tâm không trở nên bao la được. Không có trí huệ thì tâm không thể được tịnh hóa.

Trí huệ phải luôn luôn hiện hữu. Trí huệ cũng giống như lửa và các cảm xúc phiền não thì giống như củi. Mỗi chúng ta đều có Phật tính bên trong dòng tâm thức; trí huệ ‐ tỉnh giác của chúng ta là Phật. Khi con được khai thị về tri kiến của Đại thủ ấn và Đại viên mãn, con sẽ nhận biết được trí huệ ‐ tỉnh giác và như thế sẽ nhận biết được Phật trong tâm. Phật này luôn hiện diện bên con. Khi con chứng ngộ được điều đó thì các ý nghĩ thế tục và cảm xúc phiền não sẽ được chuyển hóa thành trí huệ nguyên sơ một cách tự nhiên, cũng giống củi biến thành lửa. Khi con hiểu được điều này, con sẽ chứng ngộ được rằng trí huệ này đã và đang luôn luôn an trú bên trong dòng tâm thức của mình.

Ảnh: Garchen Rinpoche.
St

Viết bình luận của bạn