Danh mục sản phẩm

CỰC TỊNH SANH ĐỘNG

Chiquan
Thứ Ba, 19/04/2022

CỰC TỊNH SANH ĐỘNG
(Bạn bớt một chút thời gian đọc 1 câu chuyện đặc sắc sẽ có được những bài học chân thực trên con đường tiến tu đạo nghiệp)

Cách đây 28 năm (1973), hồi đó tôi 16 tuổi (1945), nghe kinh Bát Nhã và pháp Bảo Đàn, bỗng nhiên lòng tôi không còn luyến tiếc gì bản thân và muốn xa lìa tất cả để lên non cao tu luyện. Tôi đem ý nguyện ấy thưa với Bổn sư là Hòa thượng Diệu Quang, Tổ thứ sáu của Tổ đình Thiên Ấn và là vị khai sơn chùa Viên Giác núi Thanh Thanh – nơi tôi đang tu học.

Hòa thượng nhìn tôi và nghiêm trọng bảo – ông nên dẹp bớt lòng bồng bột ấy đi! Vì khi đang học đạo thì ai cũng tưởng mình có thể thực hành sáu pháp lục độ chẳng mấy khó. Nhưng khi va chạm vào thực cảnh, chịu đói lạnh vài ba tháng, những cơn sốt rét ở rừng sâu và biết bao cảnh trạng kỳ quái cứ đêm đêm lại hiện về như trêu cợt, như dọa nạt thì thối chí ngay. Nếu chí thoát trần mạnh mẽ có thể vượt qua được, thì bấy giờ cái “Động” ở nội tâm lại hiện ra. Tổ xưa đã dạy: “Cực tịnh sanh động”. Ông nên tham cứu nghĩa lý ấy và nán lại năm sau, hay đợi khi thọ đại giới rồi sẽ cho ông đi cũng không muộn. Rồi Hòa thượng đưa tay chỉ về trảng núi phía tây mà hỏi :
- Ông có biết cái động bằng đá ong ở đầu dốc đó không?
- Dạ, bạch thầy con biết, chúng con đi hái củi thường trèo xuống đó để xem, nhưng chúng con nghĩ chỗ ấy có vẻ như ai tạo nên thì phải ?

Hòa thượng gật đầu :
- Ừ, chính Thầy tạo ra đấy! Cách đây 12 năm Thầy tạo chùa này, sau đó thì ông Chơn Dung đến xin làm đệ tử cầu pháp của Thầy. Ông nguyện ăn mỗi ngày một bữa cơm trưa và thọ trì kinh Pháp Hoa. Được hơn nửa năm ông ấy thưa với Thầy rằng, ở đây ồn ào không tu hành gì được, ông xin lên núi cao để tu tập. Thầy cản ngăn và hứa sẽ tạo nơi yên tịnh cho ông. Bởi đó, nên Thầy mới tạo ra cái động đá ấy để cho ông tu trì. Sau khi ông Chơn Dung ra đó được ba tháng thì ông không chịu ăn cơm nữa mà chỉ ăn rau thôi, mà ăn bằng rau khô. Thầy cũng tùy theo nguyện lực của ông, cứ đúng trưa thì đem ra ông một tô rau hấp. Đôi khi Thầy ra nghe ông tụng kinh. Có một điều rất lạ, là bất cứ ai, khi ông đang tụng kinh mà bước vào động là cảm thấy rùng mình và không biết một uy lực gì khiến cho kẻ đó phải sinh lòng sợ hãi, kể cả Thầy là sư phụ của ông ta mà cũng không tránh khỏi cái cảm giác sợ hãi đó! Và kỳ diệu hơn là an rau như thế mà ông mạnh vô cùng. Có một lần ông ta vào hầu chuyện với Thầy, gặp lúc trong chúng đang dùng đòn bẩy để khiêng 1 cái cối đá bốn năm người ì ạch coi mệt nhọc lắm, thì ông cười và bảo để đó ông vác cho. Rồi ông xắn tay hự mạnh một tiếng đưa cái cối lên vai, vác đi trông rất nhẹ nhàng.
Từ đó tiếng đồn lan ra, mọi người dưới đồng nội mới lên trước lễ bái, sau cho biết ông. Trong số người ấy một phần vì ngưỡng mộ, một phần vì tính hiếu kỳ.

Tình trạng ấy làm xáo trộn sự tịnh tu của ông, nên 1 hôm, nửa đêm ông lén Thầy ra đi, có để lại 1 phong thơ sám hối, chỉ vì sự tu niệm nên cam thất lễ. Thầy cũng chẳng biết ông đi phương nào, núi nào, ở đâu ? Vì ông không đề cập đến.

Hai năm sau, thì Thầy được tin ông tu ở núi Thạch Động, khoảng giữa của dãy Trường Sơn, thuộc quận Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ở đó, hằng đêm những rắn to Rắn nhỏ, mầu sắc kỳ dị, đến trước cửa động ngóc đầu nhìn vào như tuồng để nghe kinh. Kinh dứt, chúng tản mác hết. Trước kia núi này cọp rừng hung dữ, đường núi không ai dám đi. Chỉ có làng Thượng ở đó, mỗi khi đi phải mười hay hai mươi người, giáo mác và đánh phèn la inh ỏi mới có thể đem quế, gạc, nai, da cọp xuống đồng để đổi lấy gạo muối. Ấy thế mà từ khi ông Chơn Dung về tu ở Thạch Động, một vài người cũng dám đi. Nếu có thấy cọp, họ niệm Phật hoặc kêu tên ông Chơn Dung là bình an vô sự. Điều đáng tin tưởng hơn là cả làng Thượng đều về quy y với ông cả.

Nhưng than ôi! nghiệp chướng còn mang nặng với ông, mới ba năm thì ông bị đọa lạc bởi người con gái tên Trầm Thị Két. Bỗng dưng rừng núi nổi phong ba: cọp ngầm, rắn gáy chung quanh động suốt đêm. Uy lực linh thiêng đã biến hết! Ông và một số đồ đệ phải bôn đào về đồng nội. Rồi từ đó ông không còn dám gặp Thầy nữa. Danh Nho thường nói: “Dục tốc bất đạt” và chư Tổ cũng dạy: “Cực tịnh sanh động” quả thật là chí lý.

- Dạ, bạch Thầy, ông Chơn Dung hiện giờ ở đâu? Và con muốn biết nguyên nhân gì khiến ông đọa lạc dễ dàng như thế ?
- Nghe nói ông ở dưới làng Đông Phước thuộc phía Tây Bắc chân núi này. Còn nguyên nhân thì có lẽ do nội chướng ở tự tâm của ông ta chỉ được đè nén bởi công đức thọ trì chứ chưa biết phương pháp trừ diệt, đó chính là Tâm động mà cảnh tịnh, cũng như cỏ gấu bị đè, khi vật đè đã hất đi thì cỏ ấy lại mọc mạnh hơn trước.
Tôi cúi đầu lạy Thầy, định ra khỏi phòng thì Thầy lại bảo :
- À, còn điều này mới lạ, đệ tử của ông thuật lại cho Thầy biết rằng hồi đầu ông mới lên thì trong làng sắc tộc cho một người đại diện biết tiếng Việt ra trao cho ông một cái dĩa bằng gỗ trầm có chạm hình, một cái hoa sen búp và một con chim cắt đang rỉa cái bông mà ăn, người Mọi ấy bảo rằng cái dĩa đã lưu truyền ba đời rồi, cách đây trên một 100 năm có một nhà sư không biết từ đâu tới và đi ngả nào đến trao cái dĩa cho tổ phụ và dặn chừng nào có một nhà sư lên ở ngôi Thạch Động thì trao lại cho nhà sư ấy. Ông Chơn Dung nhận cái dĩa nhưng ông không nhận biết được ý nghĩa của cái dĩa để làm gì – đến giờ thì chắc ông Chơn Dung đã hiểu ý nghĩa nó rồi. Đâu, ông thử đoán xem có đúng không ?

Tôi suy nghĩ giây lát rồi thưa :
- Dạ, bạch Thầy, theo thiển ý của con thì bông sen là ứng về ông Chơn Dung, còn con chim két là ứng cho cô Trầm Thị Két rồi, còn nghĩa kín của nó là: – Hữu hoa tất hữu quả”, một khi cái bông bị hư nát thì quả làm sao kết tụ được. Có điều đáng tức là làm sao ông Chơn Dung lại xem khinh sự lưu truyền hy hữu như vậy! Biết đâu với vị thiền sư xa xưa ấy không phải là bậc Bồ Tát ?

Thầy cười và bảo :
- Ông nhận xét rất đúng, rất hợp với ý của Thầy lắm! Nhưng nếu ông chưa nghe câu chuyện thì vị tất ông đã đoán được như vậy.

Câu chuyện trên quả đã làm cho tôi kinh sợ về cái “khó” cho bước đường tu học của đời tôi.
Sau đó, bổn sư tôi cho tôi đi tha phương tu học một thời gian. Trải qua sáu năm khi tôi trở về thì chiến cuộc ở tỉnh nhà đã đến hồi khốc liệt. Tôi vâng mệnh Thầy giữ chức vụ thủ tọa ở chùa Viên Giác.
Bỗng một sáng tinh sương, chúng tôi đang cùng nhau kéo nước thì ở đầu dốc hiện ra một người, trên vai vác một cuộn dài độ hơn 1 thước. Chúng tôi ngạc nhiên đợi khi người ấy đến gần, tôi quan sát thấy ông ta đầu đội một cái khăn nâu, mặc đồ “bà ba”, nước da ngăm đen, mặt lưỡi cày, dáng đi hùng dũng, riêng đôi mắt sáng quắc như kẻ đã từng tập thôi miên. Vật ông vác trên vai là chiếc chiếu cuộn tròn, tôi có cảm tưởng trong ấy là một cái gối dài. Khi đến nơi ông hạ bó chiếu xuống đất đánh thịch một tiếng rồi thở ra một hơi dài. Ông đưa hai tay lên vái chúng tôi:
- A Di Đà Phật, có Hòa thượng ở nhà không các huynh ?
Chú Nuôi liền nhanh nhẩu :
- Dạ, Hòa thượng bây giờ Ngài không ở đây, Ngài giao cho Thầy thủ tọa, có việc gì thì bác cứ thưa với Thầy thủ tọa vậy.
Người ấy có vẻ sửng sốt, gương mặt thoáng buồn.
- Vậy Thầy thủ tọa ở trong chùa hay ở đâu ?
Chú Nuôi liền chỉ vào tôi.
- Đó, Thầy đamg đứng trên thành giếng kéo nước đó.
Người ấy hơi tỏ vẻ kinh ngạc, nhưng rồi lại vui vẻ đến chào tôi và hỏi:
- Chào Thầy Thủ, bộ hết người sao Thầy đi làm việc chung với chúng thế ?
Tôi nhảy xuống thành giếng xá ông rồi cười đáp :
- Chấp lao phục dịch là việc chung, bây giờ khác, hồi xưa khác, mà bác.
Tôi chỉ vào cuộn chiếu, hỏi :
- Bác vác cái gì trong chiếu ấy ?
Bỗng ông cười như mếu :
- Thưa Thầy xác chết !
- “Xác chết” ? Chúng tôi đều sửng sốt, các chú kinh ngạc đến há hốc mồm ra mà nhìn ông rồi nhìn chiếc chiếu !
Bấy giờ chúng tôi ngưng hẳn việc kéo nước mời ông vào chùa, ông ta không quên vác theo chiếc chiếu cuộn tròn.
Cái cảnh người chết bó gọn trong chiếc chiếu làm cho không khí thêm nặng nề. Không ai mở miệng hỏi câu gì. Chính tôi cũng chưa biết phải hỏi ông thế nào, trong thâm tâm có hàng chục câu hỏi. Vì tôi chưa biết ông là ai? Xác chết và ông ta có liên hệ gì ?

Nhưng ông ta đã phá tan bầu không khí u trầm ấy :
- Thưa Thầy, tôi bị nghiệp trần đày đọa, có hai đứa con trai, thằng Minh và thằng Mẫn. Thằng Minh thì khù khờ, thằng Mẫn được cái lanh lợi nhưng chẳng may nó lại chết sớm! Tôi chẳng có chỗ đất mà chôn nó. Nay xin cho con tôi một chỗ nằm và tế tự cho nó, nhưng rủi cho tôi chẳng được gặp mặt bổn sư, vậy xin Thầy từ mẫn cho tôi xin chỗ đất chôn nó và xin 1 mâm cơm rau để cúng nó, tôi với Thầy cũng nghĩa đồng sư, chắc Thầy không nỡ từ chối !
Tôi nhìn đôi mắt sáng của ông đã ngập lệ, tôi thân mật :
- Vậy ra bác cũng là đệ tử của Thầy tôi ?
- Dạ phải !
- Bác có thể cho tôi biết pháp danh ?
- Dạ, tôi là Chơn Dung.
- Chơn Dung? Chúng tôi đều thốt lên tiếng kinh ngạc và trố mắt nhìn ông.

Câu chuyện Thầy tôi kể năm xưa và hình ảnh người tu sĩ gan dạ phi thường kính mến lại hiện về trong tâm tưởng càng làm cho chúng tôi ngỡ ngàng tưởng chừng như giấc mộng! Nhưng chúng tôi còn phân vân không biết có phải ông Chơn Dung đó, hay có kẻ trùng tên (?), dù sao niềm kính trọng cũng vẫn còn trong chúng tôi. Tôi đổi cách xưng hô.
- Thầy là Chơn Dung, có phải người đã tu 3 năm trên non Thạch Động ?
- Dạ nhắc lại làm gì ? Tôi cảm thấy run sợ và hổ thẹn – Ông nói.
Thế là chúng tôi hiệp sức với ông lo chôn cất và cúng kiếng, mọi việc hoàn tất, trước khi ra về ông thưa với tôi :
- Thưa Thầy, dưới đồng tôi cũng ở nhờ nhà của người ta, tôi sinh kế bằng nghề thầy thuốc, vì thế thằng Minh không nơi giáo dục, tôi muốn cho nó về đây, nhưng e ngại quí Thầy khinh cha nó !
Tôi liền chận lại và nói :
- Thầy đừng nghĩ vậy, nếu quả thực Thầy đã cảm thấy chồn chân, trên đường phiêu lưu với duyên trần nghiệp chướng, thì cả Thầy lẫn cháu Minh cùng về đây sống với chúng tôi.


Ông Chơn Dung đứng lên và cảm động, nói :
- Thầy tốt lắm, tôi không ngờ tôi lại được may mắn trở lại cảnh chùa xưa.
Qua một thời gian, Hòa thượng về thăm chùa, Ngài mời sư Chơn Dung và tập chúng đông đủ, Ngài nói :
Ông Chơn Dung đáng lẽ câu chuyện sa đọa của ông nên dấu đi mới phải, nhưng tôi xét thấy quãng đường hành đạo của ông có lắm việc ly kỳ, mà trong thực tế, thời mạt pháp ít thấy xảy ra. Vì thế, mà tôi muốn ông nên vì kẻ hậu học, can đảm thuật lại những gì đã trải qua trong thời sa đọa của ông. Không biết ông có vui lòng để một kinh nghiệm cho về sau hay không?
Lúc ấy, tôi nhìn gương mặt của ông Chơn Dung, tôi nhận thấy không một điểm nào, chứng tỏ ông tàm quí trên vấn đe,?mà ngược lại ông hoan hỉ và trong sáng vô cùng, ông nhìn Hòa thượng rồi nói :
- Bạch Thầy, bao lâu nay anh em gạn hỏi, nhưng con vẫn từ chối, nay được gặp mặt Thầy, chính là sự chờ đợi của con và cũng là ngày con lại giã biệt Thầy.
Chúng tôi cảm thấy bùi ngùi nghe đến chữ “giã biệt” và cũng cảm thấy cuộc đời của ông như có sự chỉ định, ông kể :

- Ngày trước con là đệ tử của Ngài Hoàng Phúc, sau con về cầu pháp làm đệ tử của Thầy, vì Thầy là người bổ khuyết chỗ sở đắc bộ Kinh Pháp Hoa cho con – bộ kinh mà con say mê hâm mộ nhất, vì chỗ ứng dụng độ sanh của kinh này thật bao la vô tận. Chỉ nghe câu “nhược nhơn tán loạn tâm, nhứt xưng Nam Mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo”.

Tạm dịch: “Nếu có người lòng đang rối loạn, mà xưng niệm một câu Nam Mô Phật, Những người đó, đều sẽ thành Phật đạo”.

Đó là nói người tâm tán loạn mà còn được như thế, nếu chí thành xưng niệm thì lợi ích biết bao. Thứ nữa, trong kinh dạy: “Người thọ trì hằng được Đức Phổ Hiền Bồ Tát và chư thiên hộ trợ, dù hiện thế chưa chứng đắc A la hán, nhưng lục căn được tinh minh đến độ như gần bậc ấy, đó là 1 trong nhiều nhân duyên con chọn Kinh Pháp Hoa làm cửa vào đạo.

Trước khi con rời động đá do Thầy tạo ra cho con, một hôm con đã mộng thấy một vị thiền sư mặc áo trắng bảo rằng: “Kinh Pháp Hoa vi diệu vô lượng, tuy dị hiển nhưng nan thành, nếu cầu chấp vào đó, ông là người phải gánh chịu những dư báo gian truân và chứng minh cái nghĩa “TỊNH” và “ĐỘNG”. Biểu thị việc làm “tiệm tiến” là bước đi vững chắc, còn “dục tốc” thì sẽ sa ngã, nơi thực nghiệm của ông là rừng thiêng nhiều thú dữ, về phía Tây cách đây ba mươi dặm, ông đến đó sẽ gặp nhiều di tích.

Mộng tuy sáng tỏ, nhưng chỉ dẫn lại mơ hồ, núi rừng bao la, cứ nghe phương nào có tiếng cú kêu, có tiếng hố gầm là con đến, quả nhiên, nhờ đó mà gặp được ngôi Thạch Động vừa ý. Vì ở đây có cảnh động hùng vĩ, có suối ngọt, có cây rau “Ranh” để sống, chắc Thầy biết rau này lá nó dài hơn một gang tay, có thể ăn sống, ăn luộc, hoặc nướng thì phồng lên như bánh tráng rất thơm ngon. Có những lúc con đi hái rau gặp số voi năm, bảy con, chúng cũng ăn bằng rau ranh trông chúng rất hiền từ, khi chúng thấy con thì vòi hất lên cao liền nghe những tiếng âm vang réo rắt như tuồng tiếng sáo. Những chú voi con là gạch nối thân thiện giữa con và các con voi lớn. Có một điều là từ lúc quen với chúng rồi, thì số rau chung quanh động, chúng không bao giờ ăn đến một lá, hình như chúng chừa lại để dành cho con vậy. Điều đó con âm thầm thấy là một khích lệ thiêng liêng làm cho con phấn chấn trên việc tu niệm nhiều hơn.

Một tháng sau con mới tiếp nhận cái dĩa trầm do người Thượng trao đến. Điều này thì Thầy và các chú đã biết.

Khi người Thượng về rồi, con đem cái dĩa ra chiêm nghiệm, thoạt đầu con ngửi thì nghe mùi thơm nhưng không phải mùi trầm, một lúc sau con thấy choáng váng vì hơi nồng kỳ lạ, đến nỗi khí quan gần như tắc nghẹn. Con nổi bực vất cái dĩa đó vào động, con nằm nghỉ rồi mê thiếp đi và một giấc mộng hãi hùng lại đến.
Con thấy đã vào trong một vườn hoa và gặp một người con gái, cô gái trao cho con một tờ giấy vàng, trong giấy vẽ hình một con đường từ núi xuống đồng bằng, hai bên đường chỉ toàn là những chấm đen và rắn rít. Con đường này chấm dứt ở giữa đồng, chỗ chấm dứt có hình một người đàn ông cõng hai đứa bé, hình người này trông hao hao giống con. Kế lật trang sau thì thấy ở đầu tờ giấy viết hai chữ “lai sanh” và vẽ một cái dĩa giống như cái dĩa mà người Thượng đã trao, nhưng trong dĩa thiếu hình con chim két.
Lúc ấy con nghe tiếng nói văng vẳng “cuộc đời gánh chịu và thực nghiệm của ông là đấy”. Con giựt mình tỉnh giấc.

Hai điềm mộng, khi con lén giã biệt Thầy và bấy giờ, tuy khác nhau nhưng tựu trung ý hướng lại có chỗ phù hợp. Càng suy diễn lòng con càng thắc thỏm cho tiến trình tu luyện của con, nhưng nhờ tinh tấn dần dần con lại quên và cũng cho đó là mộng mị mà thôi.

Sự tiến tu như vậy gần hai năm, thì bỗng nhiên bản tâm con tự thấy sáng suốt có thể thấy biết những việc ở xa khoảng mười lăm cây số trở lại – có điều con biết thứ sáng suốt này không phải là “tuệ” tự nơi mình hiển hiện, mà chính ở khả năng công đức thọ trì kinh Pháp Hoa. Mỗi lần tụng kinh tuy con không nhìn lại nhưng con vẫn thấy rõ được hình dáng các vị thiên thần uy nghi khi biến, khi hiện ở bên cạnh, và có bao nhiêu cọp, beo, rắn rết gần xa nghe kinh ở trước động.

Cái uy nghi bất khả thuyết ấy, tự nhiên lan rộng, làng Thượng về quy y, dân chúng hâm mộ lên cầu phước – Từ đó động mới có Tăng chúng và tín đồ, và cũng từ đó động mới chứa đựng những món ăn, gạo nếp, đậu, mè của đồng nội. Sự kiện đông đảo có lẽ là một nguyên nhân cho “Tịnh diệt động sanh” vậy.

Theo sự xác nhận của quần chúng thì từ đây núi rừng nó đã khoác lên bộ mặt mới – hiền hòa nhưng rộn rã. Cọp vốn thích ăn người nhưng khi thấy người chúng lại bỏ đi, nếu ai gan dạ nhìn ngắm chúng thì chúng cũng nhìn lại, nhưng khác với cái nhìn cân lượng để vồ bắt.

Cũng bởi đó, mà hàng tháng mấy chục bịnh điên họ võng cáng mang lên. Có những con bịnh trông xanh xao ốm yếu, nhưng khi cơn bịnh phát lên thì sức mạnh của họ lại mãnh liệt phi thường. Họ có thể nhổ một thân cây to như cổ tay và cao hàng hai ba, thước. Họ vung mạnh đủ sức ngã lăn năm sáu người chung quanh. Ấy thế mà họ thấy con là quỳ lạy như đứa trẻ ngoan sợ trị tội. Con đâu có biết chữa điên, con chỉ vì lòng thương đem bài chú “Đại bảo quảng bát lầu cát” mà nguyện cho họ. Rồi từ đó về sau bịnh họ không còn tái diễn nữa.

Cũng từ đây, cảnh Tịnh đã hóa nên vô tịnh, và cũng từ đây con mới nhận chân được cái nghĩa của điềm mộng ban sơ. Tuy nhiên con sợ uổng phí công phu, muốn đi ngược lại cái điều gọi là “Cơ duyên dĩ định”. Có lẽ vì sự cưỡng cầu đó mà con lại gặp phải một tai nạn – hay nói rõ hơn là bị một độc chất kỳ dị :

Mùa mưa năm ấy cô Trầm Thị Két đi hái lá rau Ranh. Cô gặp trên thân cây một cái nấm nở to như bàn tay sè, mùi của nấm rất thơm, ngâm trong nước muối không thay đổi màu nước, chứng tỏ nấm rất hiền và ăn được. Thế là họ hấp chung với rau cho con. Sau khi ăn xong độ ba giờ thì con phát bịnh, tứ chi đau nhức, mồ hôi vã ra, mắt như mờ hẳn không sao chịu nỗi. Con phải gắng hết sức thọ trì kinh chú mong qua cơn bịnh ngặt nghèo. Bấy giờ Kinh Pháp Hoa đối với con đã nhập tâm. Không còn phải nhìn vào Kinh nữa, chỉ cố tưởng và duy trì những phát hiện kỳ hiệu trong khi thọ niệm mà thôi. Nhưng quái dị, hình ảnh cái dĩa mà con đã vứt vào xó động từ lâu, giờ nó lại hiện rõ ra trước mắt: Cái cảnh hoa sen lại bị xé nát, những hạt non rơi rụng, rồi cơn đau nhức lại mãnh liệt hơn.
Sự cầm cự, chịu đựng đã qua ba ngày đêm, nhưng chỉ có tăng mà không giảm. Từ ông Hồng Trí, người thị giả, đến mọi người họ chỉ than khóc, kêu cứu, người Thượng giỏi thuốc cũng đành vô phương. Trong ba hôm đó, lúc nào cô gái họ Trầm cũng núp sau vách động vừa khóc vừa cầu nguyện, nhìn mọi người làm thuốc, thoa dầu, hơ bóp cho con.

Các bà cụ bảo cô đến làm việc ấy nhưng con không cho. Bỗng thoáng một ý tưởng ngộ nghĩnh lại đến “Con két có thật mổ bông sen hay nó bắt sâu cho sen ?” và con lại chấp nhận lời thỉnh cầu của các cụ để cô ta săn sóc – cô săn sóc trước sự hân hoan chăm chú của mọi người !

Cũng chai dầu quế ấy, nhưng đến tay cô ta thì một công hiệu trừ bịnh quả thật mau lẹ, dần dần con thấy bớt đau nhức. Con vươn mình đứng lên và cho mọi người an nghỉ. Thì… một hiện tượng kinh khiếp đã xảy ra như có vẻ chờ đợi từ trước: hàng chục con rắn vằn vện mà mọi khi chúng hiền hòa như có thể ve vuốt được, nhưng giờ phút này chúng lại phồng mang trợn mắt, phun phì phì như đón chặn chẳng cho một ai ra khỏi cửa động. Còn chung quanh động có cả hằng trăm tiếng chim cú đua nhau rúc dài, vang dậy như một rừng ma hiển hiện. Con đứng lên xô đuổi thì chúng thụt lùi nhưng vẫn trong tư thế ương ngạnh bất phục. Để thí nghiệm đối phó với đột biến quá lạ ấy, con liền trở về tụng kinh, thì cảnh tượng quái vật tự động im lặng, nhưng cơn đau nhức lại tái phát và lần nữa cô Két lại lấy dầu thoa bóp, khi cô và mọi người trở ra thì cũng rắn gáy, cũng cú kêu lại có phần hơn trước.
Bấy giờ tinh thần mọi người đã quá mỏi mệt và con cũng thực nhận được hậu quả của điềm mộng “tờ giấy vàng” câu “cực Tịnh sinh Động” Thầy dạy năm xưa, quả nhiên con đã vướng mắc vào ấy.

Chúng con bàn cùng nhau quyết định trả lại sự yên tịnh cho núi rừng, cho cổ động.

Hôm rút lui mới thật hãi hùng khủng khiếp – con nói hãi hùng là nói với mọi người, chứ riêng con việc sanh tử con coi đó là một ảo hóa, dù có tự đưa đầu vào miệng cọp, và miệng cọp có từ từ khép lại con cũng coi thường, thì sá gì cái cảnh chờn vờn hăm dọa của bọn chúng.

Đoàn người xuống núi, trừ con ra, còn có ba chú, hai cụ già, ba bà lão và cô Két. Chúng con rời động lúc đúng trưa, đi vừa được cây số, thì trước mặt chúng con, có sáu chú cọp vằn ngồi choán bít cả lối đi. Nhìn phía sau càng thêm kinh hãi, có cả rắn móc đuôi trên cây thòng đầu xuống, cọp ngồi trên vách đá cheo leo, chúng lom lom nhìn bọn con như xô đuổi. Con phải hét lên dẫn đường, số cọp phía trước không buồn nhìn lại. Chúng chỉ vẫy đuôi lên vừa chạy vừa phóng uế ra trên mặt đất, trên lá cây hai bên truông rừng. Báo hại quí bà, quí chú sợ đến xanh người. Mình chúng con dính đầy phân cọp từ trên lá rừng. Chắc Thầy biết cái thối của phân cọp được liệt vào hạng nhứt. Cũng may sự dọa dẫm ấy chỉ trong vòng đoạn đường ngắn là hết.

Từ đó, đời con phải chấp nhận cái khổ gian truân của một phàm phu tục tử và chấp nhận sự khinh bỉ của mọi người. Đời đọa lạc của người tu hành còn phải gấp mười lần hơn kẻ thế tục. Con xin nhấn mạnh là kẻ có thực tu hành kia. Chứ còn những người nương vào đạo để mượn sức dây cung hầu nhảy vọt cho một nếp sống riêng tư – hạng ấy cái khổ báo chưa đến với họ.
Ông kết luận :
- Bạch Thầy, con kể như vậy cũng tạm đủ, sự việc của con chỉ hiện hai câu Thầy dạy và chứng minh sự mong cầu “được độ” mà bỏ mất phần “tự độ”.

Sau ngày kể chuyện, ông vội từ giã Thầy và chúng tôi dẫn chú Minh ra đi. Từ đó chúng tôi không biết ông ở đâu, sống hay chết (!)

Tôi, kẻ viết bài này, đã từ lâu đắn đo suy nghĩ, đem chí nguyện của mình so với sư Chơn Dung, thật quá kém xa vạn bội. Lúc đầu tôi cũng đã khẩu trách, ý trách sư Chơn Dung là mù quáng và thiếu học. Nhưng khi tỉnh ngộ…Thì ra, cuộc đời của Sư Chơn Dung không phải kẻ sa đọa thuộc hàng mê muội tục tử, mà là một thứ sa đọa bởi đức tính hy sinh dĩ định, nếu không nói đó là hiện thân của hạnh nguyện vị tha! Biết đâu không phải là một trong “lục quần Tỳ kheo” làm kẻ dọ đường cho hai lãnh vực “Tịnh” và “Động”, trong thời mạt thế.

Nếu tôi không lầm thì hầu hết học tăng khi học đạo đều muốn sống nơi non xanh u tịch. Sư Chơn Dung là mẫu người cho ta thấy ở trong cái “Động nhập thế” để tìm ra “tịnh xuất thế”. Hơn là tìm cái tịnh để rồi biến ra Động luân chuyên.

Hơn nữa, Sư Chơn Dung còn cho ta một kinh nghiệm, khi tâm mình chưa Tịnh, dù sáu căn có được tinh minh bởi công đức thọ trì đi nữa thì cũng chưa phải là cứu cánh.

Xin thành thật cầu nguyện những sơ tâm tiến. Đạo được kiên cố.

Hòa Thượng Thích Huyền Tôn
Trích Tạp chí Hoằng Pháp của Viện Hóa Đạo do Hòa thượng Trí Thủ làm Tổng Vụ Trưởng, 1973).
Nguồn: Sưu Tầm
http://Chiquan.vn

Viết bình luận của bạn