Danh mục sản phẩm

LỄ QUÁN ĐẢNH TRONG KIM CƯƠNG THỪA

Chiquan
Thứ Ba, 07/06/2022

LỄ QUÁN ĐẢNH TRONG KIM CƯƠNG THỪA

Một trong những đặc trưng của Phật Giáo Kim Cương Thừa là nghi thức bắt buộc của việc phát nguyện, phụng sự và thực hành các nghi quĩ của một Bổn Tôn hay Bồ Tát. Đây là nghi thức mà chỉ một bậc Đạo Sư đã thành tựu một pháp môn mới có thể trao truyền trực tiếp cho các đệ tử việc thực hành pháp môn đó. 

Trong một ý nghĩa sâu xa hơn thì quán đảnh chính là sự trao truyền nguồn ân phúc và năng lực gia trì của cả một dòng truyền thừa xuống đến người xứng đáng được thọ nhận và trao cho người đó quyền thể nhập thực hành một nghi quỹ Tantra. Đây cũng chính là sự khác nhau cơ bản giữa Mật Thừa và Kinh Thừa vì một hành giả Mật Thừa chỉ được phép thực hành pháp tu sau khi thọ nhận quán đảnh còn với Kinh Thừa thì không.

Về cơ bản, quán đảnh thường bao gồm các nghi thức cơ bản là tịnh hoá người nhận quán đảnh, trao mật truyền và hướng dẫn phương pháp tu tập thực hành. 

Ngoài một số pháp tu do Đức Phật Thích Ca truyền cho đại chúng mà bất kỳ ai mong muốn đều có thể thực hành theo, như các pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, Lục Độ Phật Mẫu, Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, A Di Đà Phật… thì hầu hết các pháp trì tụng mật chú và quán tưởng đều đòi hỏi hành giả phải được thọ nhận quán đảnh, được trao quyền và được hướng dẫn cụ thể từ một Đạo Sư đủ phẩm hạnh.

Một phần không thể thiếu trong lễ quán đảnh là nghi thức tịnh hóa Thân - Khẩu - Ý. Trong đó Tịnh hoá Thân giúp thanh lọc những uế trược về thân để hành giả có thể quán tưởng bản thân mình là Đức Bổn Tôn, Tịnh hóa Khẩu giúp thanh lọc khẩu nghiệp và cho phép trì tụng thần chú của Bổn Tôn còn Tịnh hóa Ý thì giúp thực chứng sự bất nhị của tâm mình và tâm của Đức Bổn Tôn. Không thọ nhận lễ truyền pháp quán đảnh sẽ không đủ điều kiện để thực hành tu tập Kim Cương Thừa.

Các mật chú có thể tìm được trên mạng xã hội, nhưng như đã nói thì đó chỉ là phần Khẩu, còn phần Thân và Ý thì sẽ không thể nào tìm được, cho nên ngoài vài mật chú đơn giản và thông dụng, cần phải có đủ nhân duyên và được thọ nhận quán đảnh trực tiếp từ Đạo Sư đủ phẩm hạnh mới nên thực hành, vì việc trì tụng mật chú một cách dễ dãi cũng giống như người tự bịt mắt lại mà tung dao sắc lên rồi bắt. Bởi một khi chưa được tịnh hoá Thân Khẩu Ý thì người sử dụng Mật chú chưa được thanh tịnh nên chưa đủ điều kiện để được trao quyền thực hiện những việc quá sức mình và khi chưa biết phương pháp thực hành thì như người bị bịt mắt thì không thể nhìn thấy đâu là lưỡi dao.

Cả việc một đạo sư chưa đủ phẩm hạnh hay chưa được phép mà đã trao truyền quán đảnh và việc một hành giả Mật Thừa tự tiện tiết lộ Mật chú đều là vi phạm giới nguyện Mật Thừa, nên cả người cho và người nhận đều sẽ phải chịu hậu quả. Vì vậy, rất cần tìm hiểu kỹ về vị đạo sư truyền quán đảnh trước khi quyết định thọ nhận nó cũng như phải nên rất cẩn trọng khi tiếp xúc với hay đề cập đến các giáo lý của Mật Thừa.

Đã có tâm kính Phật trọng Tăng ắt sẽ gặp thiện duyên, việc gì phải đến rồi sẽ đến, không cần vội vàng kẻo đứt tay, âu đó cũng là một cách để rèn luyện Nhẫn Nhục Ba La Mật vậy… 
(Tổng hợp)

#DrikungKagyu
#LeQuandanh

Viết bình luận của bạn