Lược dịch "Suy Ngẫm Về Vòng Sinh Tử Luân Hồi"
Chiquan
Chủ Nhật,
27/03/2022
Lược dịch "Suy Ngẫm Về Vòng Sinh Tử Luân Hồi"
~ Đức Gyalwang Karmapa thứ 17
Chủ đề cho buổi chiều nay là cách đối mặt với sự sống và cái chết. Đây là những sự kiện chúng ta đều biết, chúng ta thấy chúng lặp đi lặp lại trong tin tức hoặc trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thấy những minh chứng về cái chết nhưng thường thì chúng ta không nghĩ rằng một ngày nào đó, nó cũng sẽ đến với chính chúng ta. Chúng ta không nhận thức được điều này. Lý luận sẽ không mang đến hiểu biết thực sự. Chúng ta phải nhìn vào cảm xúc và trải nghiệm của chính mình để cho phép chúng ta hiểu những gì người khác đang phải trải qua.
Đó là bản chất của mọi thứ, một khi được sinh ra, chúng ta sẽ chết đi. Chúng ta cần phải rất rõ ràng về điều này, vì một khi trở nên quen thuộc với thực tế này, nỗi sợ hãi về cái chết sẽ giảm bớt. Đặc biệt là ngày nay, rất ít người có đủ kiên nhẫn với những tình huống đau khổ hoặc khó khăn. Sự thoải mái tiện nghi được đẩy mạnh ở khắp mọi nơi nên chúng ta mất đi sức mạnh tinh thần và lòng dũng cảm để đối phó với khó khăn.
Một số người nói rằng Phật giáo là một tôn giáo của khổ đau vì nó được thảo luận rất thường xuyên trong các kinh văn, chẳng hạn như những lời giải thích về luân hồi là khổ đau và các loại khổ đau khác nhau trong sáu cõi. Mùa đông năm trước ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), tôi phải mất vài ngày để giải thích về phần Khổ đau trong "Bảo Châu Trang Nghiêm của Giải Thoát", nhưng nếu đi vào chi tiết, thì phải mất hàng tháng. Một số người có thể nghĩ, "Chúng ta đang thực hành giáo Pháp để tìm hạnh phúc, nhưng nó chỉ nói về khổ đau."
“Ngày nay, khi một người bị ốm, họ tìm mọi cách chữa trị và cũng hy vọng tránh được tuổi già, tin rằng một số phương pháp sẽ hiệu quả. Một số chuyên gia y tế cho rằng có giải pháp và mặt khác, bệnh nhân muốn tin vào điều đó. Mọi người thậm chí đang cố gắng tránh cái chết. Trong các thế hệ xưa cũ, khi một người đã thử các phác đồ điều trị khác nhau mà không có tác dụng, thì họ sẽ quyết định rằng đã làm đủ và quay sang tích lũy công đức và thực hành giáo Pháp. Vì vậy, có sự khác biệt khá lớn giữa hai cách tiếp cận: một người tiếp tục cố gắng và tiêu nhiều tiền vào đó, trong khi người kia cho rằng thật vô nghĩa nếu chạy theo nhiều điều trị hơn và thực hành giáo Pháp trong khoảng thời gian còn lại.
Có một cách để chúng ta phát triển kiên nhẫn đối với khổ đau. Về thể chất, chúng ta không thể chịu đựng được sự thống khổ của các cõi địa ngục, nhưng chúng ta có thể thực hành rộng mở [chấp nhận] về mặt tinh thần với những khổ đau đó để tăng khả năng và lòng dũng cảm chịu đựng khổ đau.
Tóm lại, khi nói về sinh và tử, chúng ta có thể thấy rằng trong sinh vốn đã có sẵn tử, nên có thể nói rằng sinh đồng nghĩa với tử. Một khi chúng ta được sinh ra, chúng ta không cần một nguyên nhân hay điều kiện nào khác để chết. Đã sinh ra thì chắc chắn sẽ tử. Vạn pháp đều vô thường. Bản chất của chúng là thay đổi trong từng khoảnh khắc (sát na).
Khi chúng ta nói vạn pháp sinh và diệt, thì vô thường sẽ là vấn đề nếu chúng ta bám chấp vào vạn pháp. Mặt khác, thực tế đến và đi khỏi sự tồn tại này là một phần của vẻ đẹp cuộc sống, mang đến cho nó nhiều sắc tướng hơn so với trước. Như sự biến đổi của cảnh quan theo mùa thay đổi, khiến cuộc sống trở nên thú vị và tốt đẹp.
Thực tế rằng vạn pháp có bản chất vô thường đều có thể được điều chỉnh theo hướng tích cực thiện lành: mỗi một khoảnh khắc vô thường cũng mang đến một cơ hội mới, một cuộc sống mới, một cảm giác mới, một cơ hội khác. Những lời giải thích về cái chết và vô thường, không phải để khơi dậy sợ hãi, mà là để chỉ ra có cơ hội liên tục cho thay đổi.
Chúng ta có xu hướng nghĩ về cái chết như một kết thúc cuối, một sự kiện duy nhất, giống như một bộ phim kết thúc và chỉ vậy thôi. Không có cơ hội thứ hai. Nhưng nó không phải là trường hợp ở đây. Sự tiến triển không phải là tuyến tính, bắt đầu từ điểm này và dừng lại ở điểm khác. Sinh tử cứ xoay quanh một vòng tròn. Với mỗi khoảnh khắc sinh ra và chết đi, hoặc chúng ta có thể thấy một ngày là cả cuộc đời. Vào buổi sáng, một cuộc sống mới bắt đầu, buổi tối nó qua đi, và ngày hôm sau, một cuộc sống khác bắt đầu. Suy nghĩ theo cách này, chúng ta trở nên rất quen thuộc với cái chết; nó giống như một người bạn cũ.
Nói chung, chúng ta sợ cái chết vì nhiều lý do. Khi đang sống, chúng ta thực sự không thể biết khi nào hoặc như thế nào cái chết sẽ đến, vì vậy chúng ta sợ hãi trước những điều chưa biết. Hơn nữa, chúng ta cũng sợ hãi những khổ đau mà cái chết có thể mang lại. Khi ở một trường đại học ở Thụy Sĩ, tôi đã nói chuyện với các sinh viên y khoa về cái chết, và chủ đề là cách tốt nhất để chết. Một sinh viên nói rằng chết trong khi ngủ là tốt nhất. Chúng ta chỉ đơn giản là sẽ không thức dậy vào sáng hôm sau và sẽ không có khổ đau hay sợ hãi.
Trong Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng, khi chết, chúng tôi hy vọng có một ý thức sáng suốt rõ ràng và thư giãn. Điều này khác với mong muốn của sinh viên đó, chết mà không hay biết. Đối với chúng tôi, chết là dịp rất quan trọng, vì đó là thời điểm mà những dấu hiệu của cuộc đời tu tập hiển lộ. Trạng thái tâm vào lúc chết là rất quan trọng, đặc biệt là nếu chúng ta chưa thực hành nhiều trong kiếp sống này. Chúng ta suy nghĩ như thế nào khi chết là điều then chốt, vì vậy chết mà không hay biết và không có chánh niệm được coi là điều tiêu cực.
Chúng ta có thể nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ chết, nhưng không nghĩ điều đó có thể xảy ra bây giờ. Nhưng thật ra, chúng ta không biết mình sẽ chết khi nào cũng như nguyên nhân hay hoàn cảnh của cái chết. Do đó, chúng ta không chuẩn bị cho mình, đặc biệt là ngày nay mọi người nghĩ rằng "mọi thứ đều có thể" bao gồm cả việc ngăn chặn cái chết, điều này khiến chúng ta rất khó đối mặt với thực tế của cái chết.
Tuy nhiên, thiền về cái chết và vô thường không phải là để tạo ra sự sợ hãi về cái chết. Tất cả chúng ta đều có sự sợ hãi này ngay cả các loài vật. Chúng ta thiền về cái chết và vô thường để không lãng phí thời gian của mình, để trân trọng cuộc sống và bạn bè mà chúng ta có, và để sống một cuộc đời không hối tiếc.
Mọi lúc, trong từng khoảnh khắc, cơ hội mới sẽ tự xuất hiện; Tuy nhiên, việc tận dụng nó là tùy thuộc vào chúng ta. Lựa chọn là của chúng ta. Ví dụ, Milarepa đã giết rất nhiều người, tích lũy ác nghiệp sâu dày, nhưng Phật giáo không nói, "Anh đã làm những điều xấu xa, nên anh không thể thực hành giáo Pháp”. Một khi thực hiện cam kết thực hành, quý vị là một hành giả. Một số người có thể nghĩ rằng bởi vì họ đã làm những điều rất tiêu cực, họ đã trở thành một người tồi tệ, và vì điều đó sẽ không thay đổi, nên họ cũng có thể tiếp tục con đường tiêu cực đó. Nhưng không phải như vậy: chúng ta có lựa chọn, và không để mất cơ hội từ chính tình huống đó tùy thuộc vào chúng ta.
Suy ngẫm về cái chết và vô thường cũng có thể giúp chúng ta trân trọng vẻ đẹp của thay đổi. Khi mùa hè đến, chúng ta tận hưởng toàn bộ cảnh quan của nó; khi mùa đông đến, chúng ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc biệt của nó.
Một số người cảm thấy khó khăn khi đối mặt với cái chết của người thân yêu. Tuy nhiên, nếu đã thực sự đối mặt được với cái chết của chính mình trước đó, họ sẽ trải nghiệm sự ra đi của người thân theo một cách khác. Trong một ví dụ khác, chúng ta thường cầu nguyện, “Xin nguyện cho con không bị tách rời khỏi đạo sư hoàn hảo”. Về mặt tâm linh, lạt ma gốc giống như cha của chúng ta, nên việc ngài viên tịch sẽ mang lại khổ não lớn lao. Nhưng như chúng ta đã thấy, chết không phải là kết thúc. Vì vậy, nếu có thể hiểu rõ về cái chết, thì khi nó xảy ra với người khác, chúng ta sẽ trải nghiệm sự ra đi của họ theo một cách khác.
---
🙏🙏🙏
[Việt Ngữ: Phật Pháp Tây Tạng dòng Karma Kagyu
Link tiếng Anh: https://kagyuoffice.org/the-gyalwang-karmapa-reflects-on-the-cycles-of-life/
St